Tôm là nguyên liệu thủy sản giàu dinh dưỡng và có thể dễ dàng chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau, thậm chí tôm còn là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Hiện nay, khi ngành nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, người tiêu dùng chỉ cần bước chân ra chợ là sẽ có ngay một túi tôm để chế biến.
Thế nhưng, để bán được giá nhiều gian thương đã sẵn sàng làm mọi cách để những con tôm luôn tươi rói, “căng tròn” và bắt mắt hơn. Có người bảo quản tôm bằng Urê, một số khác là bơm hóa chất trực tiếp vào thân tôm để tôm tăng cân, nếu ăn phải những con tôm này có thể gây ngộ độc thực phẩm hay ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Tôm bị tiêm hóa chất. Ảnh minh họa
Tôm ngâm hóa chất urê nguy hại như thế nào?
Urê là một loại phân bón hóa học dùng trong nông nghiệp có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. Nhờ có giá thành thấp nên được không ít tiểu thương chọn làm chất bảo quản thủy sản tươi sống. Khi ăn phải những con tôm này sẽ khiến lượng urê trong cơ thể tăng bất thường, gây rối loạn máu ác tính, rối loạn thần kinh,… Nhẹ là chóng mặt, đau bụng, buồn nôn,… nặng có thể sẽ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Là một người nội trợ trong gia đình, ai cũng muốn mang đến những món ăn vừa ngon vừa an toàn. Vậy, làm thế nào để nhận biết đâu là tôm sạch? Hôm nay, Ana sẽ cùng các chị em tìm hiểu cách phân biệt tôm sạch và tôm nhiễm hóa chất để tránh mua lầm.
Cách phân biệt tôm sạch và tôm nhiễm hóa chất
Như đã nói ở trên, để tăng trọng lượng cho tôm người bán sẽ dùng các tạp chất (nước muối, glixerin, urê,…) tiêm vào thân tôm. Cách này đã tồn tại khá lâu và thậm chí cả những con tôm được xuất khẩu cũng “chung số phận”.
Theo các chuyên gia, đối tượng thường bị “tiêm hóa chất” là tôm sú, việc tiêm những loại chất không rõ nguồn gốc vào tôm không chỉ mất vệ sinh thực phẩm, mà còn tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn phát triển. Nếu chẳng may ăn phải những con tôm này, người tiêu dùng sẽ có nguy cơ gặp phải các vấn đề về ngộ độc như: tiêu chảy, thương hàn, rối loạn tiêu hóa,… Chính vì thế, khi mua tôm các chị em cần lưu ý các đặc điểm nhận dạng như sau:
a) Dấu hiệu nhận biết tôm bị “tiêm hóa chất”
Tôm bị tiêm hóa chất. Ảnh minh họa
– Thân tôm cứng, thẳng đơ, mang tơm phồng căng và cứng. Tôm được bơm tạp chất khi mới chết thường bị phù đầu, gai vểnh, xòe đuôi. Phần đầu và thân nhanh chóng bị đứt lìa nhau;
– Mình tôm căng bóng, mập bất thường, các đốt trên thân tôm bị giãn ra (nhất là các đốt nối giữa thân và đầu);
– Khi nấu, tôm chảy nhiều nước và thịt teo lại. Khi ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường. Nếu tôm được bơm thạch, khi nấu chín sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm;
b) Dấu hiệu nhận biết tôm sạch
Tôm tươi, ngon. Ảnh minh họa
– Tôm còn sống, búng nhảy “tanh tách” trong thau, các chân và phụ bộ đầy đủ, không bị rớt càng. Khi bắt tôm lên thấy phần thịt chắc, bám sát vỏ;
– Nếu mua tôm đã chết, hãy bắt thử tôm lên và cầm phần đầu và đuôi kéo thẳng tôm ra. Nếu các khớp nối giữa các đốt thân tôm khít là tôm mới, còn nếu các khớp này rộm ra tức là tôm đã bị đông lạnh quá lâu. Nếu mua tôm sú, tuyệt đối không được chọn những con có phần thân ngã sang hồng vì đó là tôm ương;
Cách phân biệt tôm ngâm tẩm hóa chất
Để qua mắt người tiêu dùng, trước khi đem bán các tiểu thương thường mang tôm ngâm hóa chất rửa sạch thật kỹ, nếu không tinh ý chị em vẫn có thể bị “dính đòn”. Vì thế, hãy lưu ý những dấu hiệu sau:
– Tôm có mùi lạ, thịt nhão và không săn chắc như tôm còn tươi. Dùng tay ấn nhẹ vào thân tôm thấy phần thịt có độ đàn hồi không cao;
– Tuy vẻ ngoài tôm bắt mắt, nhưng khi bắt tôm lên xem thì thấy mềm oặt. Khi nấu chín sẽ thấy thịt mềm, nhũn, và có mùi hôi. Tốt nhất nên bỏ đi, không nên tiếc rẻ.
Như vậy, Ana vừa chia sẻ một số cách phân biệt tôm sạch và tôm tiêm hóa chất phổ biến nhất. Ngoài ra, cách an toàn nhất là hãy chọn mua những con tôm còn sống, khỏe mạnh,… thay vì chọn tôm đã chết. Chúc các bạn thành công!